Trải nghiệm thi và cầm trên tay chứng chỉ ISTQB Test Automation Engineer

Dân trong ngành ngày nay khi nhắc đến chứng chỉ dành cho tester thì ai mà không biết đến ISTQB thì quả thực là có hơi… thiếu sót tí nhỉ 😀 Chứng chỉ không phải là yếu tố bắt buộc phải có, nhưng nó có thể là một điểm cộng cho CV khi đi ứng tuyển vào các vị trí công việc liên quan tại các công ty phần mềm.

Nói đến chứng chỉ ISTQB thì sẽ bắt đầu với level Foundation (FL)- nền tảng đầu tiên để có thể thi các chứng chỉ tiếp theo trong hệ thống chứng chỉ ISTQB này. Trong hệ thống chứng chỉ của ISTQB có 3 nhánh 1 nhánh CORE thường thì nhiều người sẽ đi theo nhánh này, do đó phổ biến tiếp theo, sau khi đã có FL thì nhiều người người thường sẽ thi tiếp Advanced levels: Test Manager, Test Analyst, Technical Test Analyst. Hoặc, nhánh 2 liên quan đến Agile, vì vậy, một số khác có thể lựa chọn hướng khác cho Agile Tester – Foundation level và phát triển tiếp theo nhánh này. Còn một nhánh cuối cùng cho Specialist, nhánh này dường như là ít nhận được sự quan tâm của mọi người hơn so với hai nhánh trên, trong đó Test Automation Engineer thuộc nhánh thứ 3 Specialist.

Lý do mà mình quyết định thi chứng chỉ này là thử sức bản thân và thứ hai là muốn bản thân có thể có một thành tựu nào đó trong năm, vì tự thấy mình khá là trì trệ trong một khoảng thời gian rồi. Vậy là mình in Syllabus và Sample test và ôn thôi.

Mình dành khoảng gần 3 tháng để ôn luyện, thời gian trung bình khoảng 1,5h đến 2h mỗi ngày. Ôn luyện đến khi tự tin có thể làm bài thì mình đăng ký thi thôi. Mình thi vào cuối tháng 7.2023. Vì thi Online nên là ấn kết thúc bài thi cái là có kết quả pass/fail luôn :))) và cũng vì là thi online nên mình không cầm chứng chỉ giấy mà nó là một bản mềm chứng nhận, mình có thể gắn link chia sẻ ở các nơi. Cảm xúc cầm trên tay thì tất nhiên là vui rồi, vì không bị mất tiền thi mà bị trượt :D, thêm vào đó là sau đó lại được công ty hỗ trợ phí thi nữa.

Lệ phí thi online là hơn 200 USD, cao hơn phí thi của Foundation và 1 chứng chỉ của Advanced Level.

Câu hỏi thi có khó không thì theo cảm nhận của mình cũng có câu khó câu dễ, đặc biệt là việc sử dụng từ ngữ trong bài thi và trong Syllabus, kiểu cùng một mục đích và ý nghĩa nhưng nó lại dùng những từ tiếng Anh đồng nghĩa hoặc diễn đạt khác đi làm mình khá là mông lung nếu không thực sự hiểu bản chất vấn đề 😀 Vấn đề này sẽ là trở ngại nếu bạn nào bị hạn chế về vốn từ tiếng Anh.

Một vài câu hỏi mà có thể các bạn quan tâm đến chứng chỉ này mà còn lăn tăn thì xin mời đọc tiếp dưới này nhé.

1. Khi nào thì có thể/ nên thi chứng chỉ này?

Điều kiện cần để có thể thi được chứng chỉ ISTQB Test Automation Engineer là bạn bắt buộc phải có chứng chỉ ISTQB Foundation Level. Foundation level là kiến thức nền móng cơ bản cốt lõi nhất để có thể tiếp thu các kiến thức nâng cao một cách bài bản và trọn vẹn nhất.
Vậy nên bất cứ khi nào sau khi có FL thì chúng ta cũng đều có thể thi chứng chỉ này rồi.

Tuy nhiên, thời điểm nào là phù hợp? Ví dụ 1 Fresher tester đã có chứng chỉ Foundation Level thì có nên thi chứng chỉ này luôn không?

Thực ra thì cũng không thể đưa ra một đáp án gọi là chính xác hoàn toàn cho câu trả lời này được. Bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như: Level hiện tại của bạn (fresher, junior, senior tester), công việc bạn đang/đã làm thì có làm automation hay chỉ là thuần manual test, định hướng công việc (ví dụ như có kế hoạch phát triển automation testing…), hay công ty hiện tại bạn đang làm thì có yêu cầu hoặc ưu tiên nhất định đối với chứng chỉ này hay không, hoặc không quan tâm bất cứ yếu tố nào mà chỉ đơn giản là bạn muốn có chứng chỉ để làm đẹp CV thôi, hay thi cho vui thôi chẳng hạn… nói chung là sẽ tùy vào từng trường hợp mà nó sẽ phù hợp với từng người.

Còn ở đây, (trừ các trường hợp thi vì bắt buộc phải thi, hoặc thi cho vui) theo quan điểm của mình thì bạn có thể nên thi chứng chỉ này sau khi đã có trải nghiệm với manual test và đặc biệt là đã và đang làm với automation test một khoảng thời gian vừa đủ để có thể hiểu một cách tổng quan về testing, về automation testing.

Bởi vì sao, là bởi sau thời điểm này mình đã có kiến thức về quy trình kiểm thử trong phát triển phần mềm, cũng như vai trò, trách nhiệm của người tester trong dự án phần mềm, thêm vào đó, các khái niệm cơ bản liên quan đến Automation cũng đã có hiểu biết và thực hành với dự án, từ đó sẽ dễ dàng hiểu và hình dung cụ thể về các định nghĩa liên quan được nhắc đến trong Syllabus. Nếu mình chưa có kinh nghiệm với Automation thì sẽ rất là vất vả và khó trong việc ghi nhớ kiến thức và liên kết các kiến thức trong sách với các tình huống của các câu hỏi ở level K3 và K4, và không chỉ là để giải đáp câu hỏi, việc này còn giúp vận dụng kiến thức một cách linh hoạt, hiệu quả hơn trong các tình huống dự án thực tế hiện tại và trong tương lai.

2. Tài liệu ôn thi ở đâu?

Tài liệu đầu tiên cần nói đến đích thị là Syllabus ISTQB Test Automation Engineer rồi. Đọc và hiểu các kiến thức được đề cập trong này là rất rất quan trọng.

Sau đó là tham khảo Sample question và Answer để hiểu về cách đặt câu hỏi, giải thích đáp án của câu hỏi đó. Từ đây thì mình có thể tự hình dung, sáng tạo câu hỏi tương tự đối với kiến thức lý thuyết cho các Learning Object của từng chương. Đối với phần Sample này thì mình tham khảo ở hai nguồn, một là từ ISTQB và hai là từ ASTQB. Chi tiết cách mình ôn như thế nào thì mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn ở bài viết sau nhé!

Trên này là hai tài liệu chính thống mà mình đã sử dụng để ôn luyện. Ngoài ra, cũng có những khóa học hướng dẫn trên Udemy giúp ôn thi và luyện đề, tuy nhiên là sẽ mất phí, và ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn là tiếng Anh do các thầy Ấn giảng 😀 nên các bạn cần cân nhắc.

3. Thi chứng chỉ ở đâu?

Theo mình biết thì tại vì số lượng đăng ký thi chứng chỉ này ở Việt Nam không nhiều nên hình như là không có thi Offline như các chứng chỉ ISTQB thông thường khác. Nên mình đã đăng ký thi Online.
Thi Online cũng có 2 kiểu: một là thi Online ngồi tại nhà, hoặc hai là thi Online nhưng ngồi tại một trung tâm khảo thí được ủy quyền. Mình thì mình chọn kiểu số 2, thi tại trung tâm được ủy quyền.
Chi tiết cách đăng ký thi và quá trình thi của mình thì mình sẽ chia sẻ cụ thể ở bài viết khác nhé.

4. Có thể áp dụng kiến thức này như thế nào vào công việc thường ngày?

Đây có lẽ là một khía cạnh mà có thể các bạn sẽ quan tâm nếu thực lòng quan tâm đến đầu ra của việc học mà không phải là học chỉ vì tờ chứng chỉ :D. Vậy thì mình có thể áp dụng như thế nào trong việc từ mớ kiến thức sách vở kia. Thì dưới đây là những suy nghĩ và quan điểm của mình, có thể các bạn sẽ vận dụng và sử dụng được nhiều hơn thì có thể chia sẻ thêm với mình ở phần bình luận nha.

Cho đến một năm gần đây thì mình mới bắt đầu có cơ hội quay lại làm việc với dự án Automation, và vì đặc thù dự án tại công ty cũng có chút đặc thù riêng so với kinh nghiệm trước đây của mình nên cách tiếp cận cũng như triển khai cũng tương đối khác. Tuy nhiên, về tổng quan kiến trúc và lý thuyết về automation thì vẫn có thể áp dụng được phần nào. Tiếc là cho đến thời điểm gần đây khi mình quyết định thi “thử” ISTQB Automation thì mình mới thực sự tìm hiểu lý thuyết về Automation một cách nghiêm túc và bài bản nên đã bỏ lỡ nhiều thứ, mà lẽ ra đã có thể áp dụng cho dự án ngay từ khi bắt đầu thì đã tốt hơn rất nhiều.

Mặc dù vậy, mình vẫn kịp bổ sung được một vài thiếu sót cho dự án đang chạy dang dở, tuy rằng không được nhiều nhưng ít nhất cũng là có cải thiện so với trước đó chỉ là làm theo hướng dẫn, sample có sẵn, kế thừa từ các dự án trước,.. ví dụ như việc vận dụng những kiến thức để cân nhắc cập nhật nâng cao khả năng bảo trì, và tái sử dụng tốt hơn cho test automation, hay bổ sung các tiêu chí và các công việc cần làm để báo cáo cũng như đánh giá hiệu quả của test automation trong dự án.

Đặc biệt, khi có kiến thức này, thì khi tiếp cận với một dự án mới hoàn toàn thì sẽ hoàn toàn hình dung được trình tự công việc, vai trò và trách nhiệm của một test automation engineer để đưa ra những đóng góp phù hợp và đúng thời điểm: ví dụ như từ hệ thống cần phải test, ta có thể xác định được những yếu tố liên quan đến hệ thống cần test, từ đó có thể cân nhắc lựa chọn được các giải pháp test automation phù hợp; hay việc phân tích lựa chọn những những công cụ test cho dự án, hướng giải quyết khi gặp các vấn đề, điều mà chúng ta cần phải lường trước trước khi nó có thể xảy đến trong tương lai… ngoài ra còn rất nhiều những kiến thức quan trọng khác mà ta hoàn toàn có thể áp dụng trong thực tế để có thể xây dựng được một dự án test automation mang lại hiệu quả cao.

Tạm kết

Lưu ý, bài viết chia sẻ dưới góc nhìn và quan điểm cá nhân của mình, hi vọng các thông tin phần nào có hữu ích với các bạn đang quan tâm. Các bạn nếu có ý kiến và góc nhìn khác thì có thể để lại ở phần bình luận để mình cũng như các bạn khác có thể tham khảo thêm nữa nhé!

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc đến những chữ cuối cùng của blog mình, chúc các bạn ngày làm việc hiệu quả.

Updated: xem tiếp phần 2

Bình luận về bài viết này